Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam



Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được coi là Giấy tờ pháp lý của một tổ chức, là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin liên quan đến đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.


Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; Địa chỉ nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp; Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.

Trong đó, tên của doanh nghiệp phải là tên tiếng Việt bao gồm hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Hiện nay, Việt Nam công nhận 4 loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Tên riêng của doanh nghiệp có thể được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu. Thành tố mã số doanh nghiệp được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một mã số duy nhất và mã số đó sẽ không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.

Việc đăng ký doanh nghiệp có thể thực hiện trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc thông qua mạng thông tin điện tử. Nếu lựa chọn hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử thì người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sẽ được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử và có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Nguồn: https://www.antlawyers.com/cong-ty-luat/giay-chung-nhan-dang-ky-doanh-nghiep-tai-viet-nam/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Dispute Resolution with the Help of Arbitration Lawyers in Vietnam

What Are the Order of Disciplining Employee in Vietnam?

How to Set up a Joint-Stock Company in Vietnam in 2023?