Thủ Tục Ly Hôn Có Yếu Tố Nước Ngoài Tại Việt Nam

 



Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài là một trong các thủ tục tố tụng khá phức tạp, vì vậy các chủ thể khi thực hiện thủ tục cần lưu ý đến các quy định pháp luật liên quan để tránh vướng mắc khi tiến hành ly hôn tại Việt Nam.


Ly hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để ly hôn dựa theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài, căn cứ các giải nghĩa về “ly hôn” (khoản 14 Điều 3) và “quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài” (khoản 25 Điều 3) của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Chủ thể thực hiện thủ tục ly hôn cần đảm bảo mình có quyền yêu cầu ly hôn theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Cụ thể, chủ thể thực hiện thủ tục ly hôn phải là người vợ hoặc chồng hoặc người giám hộ hợp pháp trong trường hợp người vợ hoặc người chồng mất năng lực hành vi dân sự. Người chồng sẽ không được yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản liên quan, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn. Cụ thể hơn, kết hợp nội dung của các quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 3 Điều 35 và khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các vụ việc ly hôn có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Như vậy, các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục pháp luật tố tụng dân sự. Tùy vào từng vụ việc cụ thể mà thời hạn giải quyết khác nhau. Trên cơ sở luật định thì thời hạn chuẩn bị xét xử là từ 04 – 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Thời hạn mở phiên tòa từ 01 – 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Hồ sơ xin ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các tài liệu liên quan quan hệ hôn nhân, giấy tờ chứng thực cá nhân và các hồ sơ liên quan tài sản, con cái theo quy định của Luật hôn nhân và Gia đình 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cụ thể, hồ sơ xin ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các tài liệu: Đơn xin ly hôn; Bản sao Giấy CMND hoặc giấy chứng thực cá nhân (Hộ chiếu, Thẻ căn cước công dân); Hộ khẩu (có sao y bản chính); Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trình bày rõ trong đơn kiện; Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con); Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp).

Ngoài ra, khi nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết vụ việc ly hôn: (i) nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh; (ii) nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn. Trong trường hợp các bên không tiến hành ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn.

Người nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn sẽ gửi hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một trong các bên cư trú (điểm đ, điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Tòa án thụ lý đơn, xem xét đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật thì ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người nộp đơn. Người nộp đơn nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí lại cho Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án xin ly hôn và ra thông báo thụ lý vụ án gửi viện kiểm sát cùng cấp và bị đơn (người có liên quan). Pháp luật không yêu cầu đơn ly hôn phải thông qua hòa giải tại cơ sở (UBND xã, phường, Công đoàn cơ quan,…) Tuy nhiên trên thực tế nhiều Tòa án vẫn bắt buộc có bước hòa giải này.

Bên cạnh đó, để việc ly hôn diễn ra nhanh gọn, các bên có thể thỏa thuận trước với nhau các vấn đề liên quan đến việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên và con cái; tránh việc xảy ra tranh chấp sau khi Tòa thụ lý giải quyết ly hôn gây phát sinh nhiều thủ tục, mất thời gian không mong muốn.

Nguồn: https://www.antlawyers.com/cap-nhat/thu-tuc-ly-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai-tai-viet-nam/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Dispute Resolution with the Help of Arbitration Lawyers in Vietnam

What Are the Order of Disciplining Employee in Vietnam?

How Debt Recovery Lawyers in Vietnam Could Assist to Collect Debt